TTO – Khoảng đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, chỉ cần bốn thằng đi cafe cùng móc điện thoại di động ra bỏ lên bàn là bảo đảm cái bàn không còn chỗ để bỏ thêm một ly chén nào nữa. Thuở đó, mỗi chiếc điện thoại di động nhét túi quần nặng trịch như luôn muốn kéo sệ cơ thể sang một bên.
Thông minh hay cổ điển
Ảnh minh họa: Corbis Image |
Chưa kể, giá cả trên trời của thiết bị cộng với mức cước phí cũng thuộc dạng trên cung trăng, cho nên, vạn bất đắc dĩ lắm mới móc điện thoại ra gọi. Và thằng nào có cuộc gọi đến đã là oai lắm, vừa móc máy ra nghe vừa nhìn quanh xem có nàng nào đang liếc nhìn mình đầy ngưỡng mộ không… Mà thủ tục đăng ký thuê bao (không có món trả trước như bây giờ) thì nhiêu khê khôn tưởng.
Lắm câu chuyện dở khóc dở cười với cái cục gạch di động thuở đó. Có anh nọ vừa sắm được cục gạch xong, đang chờ nhà mạng mang hợp đồng đến ký và giao sim, thì nghe gõ cửa phòng. Lấy bộ dạng thật hách, anh ta móc điện thoại ra áp vào tai rồi gọi với: Vào đi, cừa không khóa…
Khách lạ vào, chủ nhân ra cái điều bận rộn kẹp điện thoại vào tai xong hất hàm chỉ cái ghế. Chủ nhân tiếp tục say sưa chỉ đạo “ảo” trên điện thoại, chừng năm phút mới quay sang anh kia: “Anh đến liên hệ chuyện gì?”. Câu trả lời khiến chủ nhân cái cục gạch – chưa – có – sim mém té ghế vì xấu hổ: “Dạ, thưa anh, em bên dịch vụ điện thoại, đúng hẹn mang sim và hợp đồng sang mở dịch vụ cho anh!”…
Thuở đó, chiếc điện thoại di động chỉ có hai chức năng chính: Nghe và gọi. Mãi đến giữa những năm 90, nhà mạng mới mở thêm cái dịch vụ tin nhắn, hoàn toàn miễn phí, tha hồ cho bà con đấu láo, hẹn hò, làm quen, bà tám… Mà không phải thiết bị đầu cuối nào cũng có chức năng nhắn tin. Một số dòng điện thoại đời đầu dù lúc mua ngốn gần cả ba tháng lương, nhưng chỉ có thể đọc tin nhắn chứ hoàn toàn không trả lời được…
Thuở đó xưa như trái đất rồi.
Những cuộc cách mạng kỳ vĩ của công nghệ thông tin đã đưa những cục gạch nghe – gọi ngày nào ra nghĩa trang ngày một sớm hơn. Không có tiếng kèn ai oán để tiễn đưa, chỉ có túi tiền ngày một vợi đi nếu ai đó lao vào cuộc chạy đua triền miên với công nghệ.
Đã có trên Nhịp Sống Số |
Khi nhà mạng Sfone tung ra dịch vụ Internet cho điện thoại đầu những năm 2000, coi như chiếc điện thoại đã không còn giữ nguyên tính năng nghe gọi nữa. Lúc đó, công nghệ CDMA phát triển như vũ bão, ở Hàn và Nhật, người ta loay hoay đi tìm một tên gọi mới cho thiết bị này thay cho cái tên thông dụng cellphone, cellular hay điện thoại di động. Bởi, chú dế này còn được tích hợp thêm camera, camcorder, xem phim, nghe nhạc, ghi âm, gửi mail, thanh toán điện tử…
Ở VN bây giờ, đến chú Mục đồng ở một miền quê xa xôi nào đó cũng có thể lận lưng một cái điện thoại di động. Nói cách khác, cái cục gạch trị giá một tài sản nho nhỏ của một gia đình thuở nao đã thành một thiết bị thông dụng, gần gũi, dễ mua dễ xài với dân Việt ta.
Khá ngạc nhiên là dân ta đi sắm điện thoại di động, hiếm ai kiểm tra xem khả năng nghe, gọi (chức năng chính) của chú dế mình dự định sắm thế nào, chỉ kiểm tra xem có Wifi không, 3G hay 2,5G; chụp ảnh bao nhiêu “mê”…
Và, mỗi ngày, những cục gạch thuở nào càng có thêm nhiều tính năng mới được tích hợp. Và không giản dị chỉ là những tính năng được tích hợp sẵn, các hệ điều hành Windows Mobile, Android, Brew, Symbian cho phép người dùng tùy biến đến tận cùng và người chủ sở hữu tha hồ “vọc” để chú dế yêu của mình không bao giờ đụng hàng với chiếc thứ hai trên đời.
Trong những phân khúc bình dân nhất của các hãng Alo, thì những chiếc điện thoại giá rẻ cũng luôn được thiết kế sao cho càng nhiều tính năng càng tốt. Nghĩa là, nghiễm nhiên, việc xem cái “alo” không chỉ là để “alo” đã trở thành phản xạ của người tiêu dùng…
Nhưng, càng xài thiết bị thông minh, càng… dễ tổn thương vì nó. Khi hệ thống SMS được tích hợp vào như một tiện ích và trở thành chiếc cầu nối toàn cầu về thông tin (người ta vẫn gọi thế hệ sử dụng tin nhắn trên điện thoại di động là thế hệ ngón tay cái) thì câu chuyện ghen tuông, giận hờn của các cặp tình nhân diễn ra như cơm bữa, trong đó không hiếm những cuộc chia tay. Cay đắng hơn, có những hàm oan từ SMS khiến gia đình đổ vỡ, vợ ly dị chồng, cha nghi kỵ con…
Chưa kể, hàng trăm phần mềm “dạy” cho con người ta sự dối trá ngay trên thiết bị thông minh đó (hẹn giờ nhắn tin, chặn cuộc gọi, giả lập cuộc gọi đến, giả lập số gọi đến…), thậm chí, rất nhiều phần mềm gián điệp cũng sẵn sàng được cung cấp với giá rẻ mạt để người này theo dõi người kia, người kia theo dõi người nọ.
Bạn hãy cẩn thận khi người yêu của bạn tặng cho bạn một chiếc điện thoại thông minh, bởi không thể chắc trong đó không có một phần mềm gián điệp đã được cài sẵn, kiểm soát toàn bộ tin nhắn và cuộc gọi của bạn.
Thế cho nên, khi John’s Phone, chiếc điện thoại với chỉ hai tính năng gọi và nghe (cùng một cuốn sổ tay đính kèm với cây bút vừa để cho bạn chơi game caro, vừa làm danh bạ) chào đời, nó bỗng trở thành một sự kiện.
Ngày càng lệ thuộc vào những chiếc điện thoại thông minh, đôi khi, người viết bài này bỗng ước ao sao cho bỗng dưng một ngày, có loại virus nào đó “ăn” sạch tất cả những tính năng khác của chiếc điện thoại, để chỉ còn những cục gạch nghe và gọi, gọi và nghe như thuở nào, hẳn, cuộc sống cũng giản dị và dễ chịu hơn nhiều.
ĐÌNH THẮNG
Source: Báo Tuổi Trẻ