Đó là thực trạng hiện nay tại Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn. Rất nhiều cán bộ, giảng viên lần lượt bỏ việc khiến sinh viên khổ lây.
Nhiều cán bộ, giảng viên Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn cho biết hằng tháng, họ phải è cổ chịu phạt tiền, trong đó có những khoản phạt hết sức vô lý. Nộp báo cáo chậm hay đi làm chậm một phút cũng bị quy thành tiền phạt, cuối tháng trừ trong bảng lương; họp trễ trừ 50.000 đồng, bỏ họp trừ 100.000 đồng. Có người mua một gói xôi vào trường ăn sáng cũng bị phạt 100.000 đồng.
Căng thẳng kỳ lương
Nhân viên, giảng viên bị phạt thì lãnh đạo của họ cũng vạ lây vì trường quy định trưởng đơn vị bị phạt 20% và phó đơn vị 10% trên tổng số tiền đơn vị bị phạt. Cán bộ kiêm nhiệm trực thuộc ban giám hiệu cũng không thoát khỏi quy định này. Việc phạt tiền làm cho không khí trong trường hết sức căng thẳng ở mỗi kỳ lĩnh lương.
Chỉ trong tháng 1 và tháng 2/2011, ba phó hiệu trưởng đã nghỉ việc mang theo nhiều bức xúc. Cũng trong thời gian này, trưởng phòng hành chính quản trị, phó phòng công tác sinh viên, phó phòng hành chính tổ chức đã lần lượt ra đi. Trước đó không lâu là các trưởng khoa nghệ thuật – mỹ thuật công nghiệp, âm nhạc, du lịch… có lúc, 17 người xin thôi việc chỉ trong một tháng.
Sinh viên một cơ sở của Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn giờ tan học. |
Hiện TS Vũ Khắc Chương, hiệu trưởng nhà trường, phải kiêm nhiệm rất nhiều vị trí trưởng khoa và phòng ban, như: khoa công nghệ thông tin, khoa nghệ thuật – mỹ thuật công nghiệp, phòng đào tạo, phòng hành chính quản trị, phòng tổ chức nhân sự, giám đốc trung tâm thực tập…
Giảng viên cơ hữu “ảo”
Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn công bố tổng số cán bộ, nhân viên là 246 người; giảng viên là 514 người (trong đó có 291 giảng viên cơ hữu). Thế nhưng, rất nhiều người có tên trong danh sách giảng viên cơ hữu của trường khẳng định họ có nộp hồ sơ xin vào trường nhưng chưa một lần được hồi âm chứ nói gì đến ký hợp đồng.
Qua xác minh, chúng tôi được biết bằng thông báo thi tuyển hoặc nhờ người trong trường giới thiệu, trường thu nhận hồ sơ ứng viên rồi lấy đó lập danh sách giảng viên cơ hữu để báo cáo. Vì thế, đến ngày 20/11/2010, trường chỉ có 8 giảng viên cơ hữu và số cán bộ, nhân viên cũng chỉ 121 người.
Do giảng viên cơ hữu quá ít mà sinh viên lại đông nên một giảng viên cơ hữu phải kiêm việc chủ nhiệm từ 5-10 lớp. Cán bộ khoa, thư ký quản sinh không làm công tác giảng dạy cũng được phân làm chủ nhiệm lớp. Sinh viên quá đông nên sĩ số có lúc đến 200 – 300 người/lớp.
Hãi hùng thực tập tour
Mập mờ tuyển sinh Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn thành lập ngày 17-10-2006, tuyển sinh từ năm 2006, hiện có 14 ngành học bậc CĐ, 16 ngành học bậc TCCN. Theo báo cáo của trường, tổng số sinh viên hiện có là 7.165 người. Tuy nhiên, một người từng giữ chức vụ cao của trường cho biết số sinh viên hiện nay trên 9.220 người. Hằng năm, đến kỳ tuyển sinh, trường tổ chức họp hội đồng tuyển sinh ở các khâu nhưng riêng khâu quan trọng nhất là chọn sinh viên trúng tuyển thì hoàn toàn do hiệu trưởng quyết định. |
Có mặt ở cơ sở 5 của trường này tại xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn – TPHCM, chúng tôi mới biết nỗi khổ của hàng ngàn sinh viên đang phải học trong cơ ngơi vốn là xưởng may. Trần nhà ẩm thấp, tối tăm, xung quanh bốc mùi hôi thối nồng nặc. “Chúng em học mà như bị tra tấn. Nóng và ngột ngạt kinh khủng”- một sinh viên khoa du lịch cho biết.
Nhiều sinh viên cho hay máy chiếu chỉ 10 cái, trong khi có đến 28 lớp học sáng – chiều. Màn hình thiếu nên dùng máy chiếu chiếu thẳng lên tường để học. Do nhiều giảng viên nghỉ việc nên rất đông sinh viên bị mất điểm môn học, hiện chưa biết giải quyết bằng cách nào.
Điều bức xúc nhất đối với sinh viên là việc nhà trường buộc họ thực tập theo kiểu đi tour du lịch và lấy đây làm một trong những điều kiện tốt nghiệp. Sinh viên trong 3 năm học CĐ phải đi thực tập 4 lần, có lúc phải đóng tiền theo những tour 6-7 triệu đồng. Không chỉ sinh viên khoa du lịch mà tất cả các khoa, kể cả ngoại ngữ, nghệ thuật – mỹ thuật công nghiệp, thanh nhạc, kinh tế… cũng phải thực tập theo hình thức này thì mới có thể tốt nghiệp.
Theo Người lao động
Source: Zing