Ảnh: ipvs.com.au

Làm sao chuyển nghề thành công?

TTO – * Năm nay tôi 29 tuổi. Tôi tốt nghiệp ĐH Bách khoa chuyên ngành IT và làm việc trong ngành IT được hơn 3 năm.

Sau đó tôi chuyển sang ngành tài chính/kế toán và đã làm kế toán tổng hợp 1,5 năm cho một ngân hàng và nửa năm cho một hãng hàng không nước ngoài. Mức lương gần đây nhất của tôi khoảng 10 triệu đồng.

Vài tháng gần đây tôi nghỉ làm để tập trung ôn thi và đã hoàn thành chứng chỉ ACCA. Tôi dự định phát triển nghề nghiệp theo hướng tài chính (phân tích tài chính, đầu tư tài chính) hoặc cost/performance management. Tuy nhiên tôi thấy rất khó khăn trong tìm kiếm việc làm phù hợp.

Rất mong chương trình tư vấn cho tôi, với học vấn và kinh nghiệm tôi đang có, tôi nên phát triển nghề nghiệp như thế nào và thương lượng mức lương tương ứng ra sao?

(vutthuy…@yahoo.com)

– Chào bạn. Với chuyên ngành tài chính/kế toán và kinh nghiệm 2 năm làm kế toán, bạn đã có một nền tảng tương đối vững vàng để chuyển tiếp sự nghiệp sang lĩnh vực tài chính. Với lĩnh vực này, bạn có khá nhiều lựa chọn nghề nghiệp:

Chuyên viên phân tích tài chính: Công việc chính là tổng hợp và phân tích các thông tin tài chính, phân tích xu hướng và đưa ra các dự báo, thu thập các bảng thống kê, báo cáo kinh doanh, báo cáo kế toán và đưa ra các báo cáo nhằm tư vấn tài chính và đầu tư cho ban giám đốc, khách hàng và đồng nghiệp.

Với công việc này, bạn cần có kiến thức sâu về hệ thống tài chính, nắm vững kiến thức liên quan quản lý danh mục đầu tư, xác định giá trị tài sản… Bạn cần được đào tạo chuyên nghiệp, có những kiến thức và kinh nghiệm nhất định về tài chính đặc biệt trong lĩnh vực thẩm định đầu tư, phân tích kinh doanh và sử dụng thành thục công cụ phần mềm quản lý dữ liệu.

Tư vấn tài chính: Là nghề nghiên cứu kinh tế rất cần trong xã hội ngày nay. Nghề này cần bạn am hiểu pháp luật về chứng khoán, doanh nghiệp và có kiến thức kinh tế vĩ mô.

Quản lý tài chính: Nhà quản lý tài chính phải được đào tạo chuyên nghiệp và nghiên cứu theo chiều sâu, có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành.

Môi giới chứng khoán: Các nhà môi giới chứng khoán phải vượt qua những cuộc kiểm tra trình độ chuyên môn của ngành chứng khoán, trong quá trình làm việc phải tiếp tục hoàn thiện các điều kiện bắt buộc về chứng khoán.

Giao dịch viên chứng khoán: Công việc này chủ yếu phục vụ những nhà đầu tư lớn, thường có xuất thân từ nhân viên giao dịch, nắm bắt tốt yêu cầu của khách hàng và làm chủ được thời gian mở phiên giao dịch. Công việc này cần có khả năng phát hiện sự thay đổi trong mỗi phiên nhằm giảm sự rủi ro cho nhà đầu tư và đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng tuyệt đối.

Nếu bạn đam mê, thật sự muốn theo đuổi và thành công với lĩnh vực tài chính, bạn cần đáp ứng được các yêu cầu quan trọng sau:

Kỹ năng: Khả năng phân tích, tổng hợp; kỹ năng giao tiếp, trình bày, thuyết phục; kỹ năng quản lý thời gian, chủ động hoàn thành công việc và đề xuất các giải pháp. Ngoài ra, để không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội tiềm năng nào, bạn cần không ngừng trau dồi khả năng ngoại ngữ.

– Để thành công với lĩnh vực tài chính, bạn phải nhạy bén nhận biết được các xu hướng tài chính, nhanh nhạy với những biến động dù lớn hay nhỏ của nền kinh tế, xã hội. Điều này đòi hỏi bạn phải cập nhật thật nhiều tin tức, thông tin về các ngành công nghiệp, xu hướng của thị trường trong chính công việc mình đang làm.

Để chuẩn bị tốt cho sự chuyển tiếp từ kế toán sang tài chính, về mặt kiến thức, ngoài bằng ACCA, bạn nên nghiên cứu môn học phân tích hoạt động kinh doanh và các bảng báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Mặt khác, bạn có thể tham gia các khóa học về kiểm toán (để kiểm soát sổ sách nội bộ) và CFO (giám đốc tài chính). Sự bổ sung kiến thức cũng như bằng cấp sẽ giúp ích cho sự thăng tiến trong tương lai của bạn.

Tìm việc trên website là xu hướng số một hiện nay. Ngoài ra, hãy tận dụng các mối quan hệ để tìm được công việc như ý. Hãy thể hiện lợi thế bản thân cũng như nguyện vọng muốn gắn bó và phát triển lâu dài với lĩnh vực tài chính trong thư tìm việc để thuyết phục nhà tuyển dụng.

Bạn đã chuyển ngành từ công nghệ thông tin sang kế toán khá thuận lợi. Nếu bạn có sự chuẩn bị chu đáo về kiến thức, bằng cấp cũng như kỹ năng, chắc chắn sự chuyển tiếp từ kế toán sang tài chính cũng sẽ không quá khó khăn với bạn và mức lương bạn nhận được không thể “đi xuống”. Chúc bạn thành công!

NGUYỄN THỊ ÁNH TUYẾT
(chuyên viên tư vấn nghề nghiệp VietnamWorks)

Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề lương bổng, kỹ năng nghề nghiệp, phỏng vấn xin việc… bạn đọc gửi về chương trình “Tư vấn việc làm” tại địa chỉ: [email protected]. Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Source: Báo Tuổi Trẻ