TT – Nhiều trường ĐH thuộc hai ĐHQG, ĐH vùng mở rộng khối thi, cho chuyển đổi ngành đăng ký và tăng thêm số nguyện vọng (NV) giúp thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn.

Nhiều chiêu xét tuyển

Năm nay thí sinh dự thi vào Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) sẽ được đăng ký thêm NV1B. Trong ảnh: TS Phạm Tấn Hạ, phó trưởng phòng đào tạo nhà trường, tư vấn việc chọn ngành học cho thí sinh trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh 2011 tại Cần Thơ – Ảnh: Trần Huỳnh

Năm nay thí sinh dự thi vào các trường thành viên ĐHQG TP.HCM sẽ có nhiều NV hơn, được thi môn bổ sung và được xét tuyển NV1B nếu không trúng tuyển NV1.

Thêm cửa cho thí sinh điểm cao

Nếu thí sinh dự thi vào các trường thành viên thuộc ĐHQG TP.HCM nhưng không trúng tuyển ở ngành đăng ký dự thi và có NV, nhà trường sẽ chuyển thí sinh này sang một ngành khác cùng khối thi còn chỉ tiêu nhưng có điểm chuẩn thấp hơn. NV1B được xét cùng thời điểm với NV1 (tháng 8-2011) cho các ngành chưa tuyển đủ theo NV1. Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, đây là cách để giảm tình trạng ảo, tạo thêm điều kiện cho thí sinh có điểm cao và thật sự muốn học tại trường. “NV1B không phải là NV2. Việc xét tuyển NV1B vẫn đảm bảo quyền lợi thí sinh, họ vẫn có thể tham gia xét tuyển NV2, NV3” – ông Nghĩa khẳng định.

Tuy nhiên, cách làm ở mỗi trường có khác nhau. Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn sẽ phát phiếu đăng ký cho thí sinh có NV xét tuyển NV1B đăng ký ngay trong buổi làm thủ tục dự thi. Trường ĐH Kinh tế – luật chỉ thông báo xét tuyển NV1B khi đã có kết quả xét tuyển NV1 như điểm sàn xét tuyển, chỉ tiêu các ngành NV1B. Năm nay thí sinh dự thi vào trường này được đăng ký NV1B với hai NV ở hai ngành.

Trong khi đó, Trường ĐH Khoa học tự nhiên chỉ xét NV1B những thí sinh không trúng tuyển NV1 nhưng có điểm cao. “Hội đồng tuyển sinh trường dựa trên kết quả thi để xem xét chuyển thí sinh có điểm cao nhưng rớt NV1 sang những ngành khác. Nếu không thích học ngành nhà trường chuyển sang, thí sinh vẫn có thể đăng ký xét tuyển NV2, NV3” – TS Nguyễn Kim Quang, trưởng phòng đào tạo nhà trường, cho biết.

Các trường cũng lưu ý thí sinh: NV1B chỉ xét tuyển thí sinh đã dự thi vào trường và chỉ xét khi các ngành khác chưa tuyển đủ chỉ tiêu. Nếu đăng ký NV1B nhưng không đủ điểm để xét tuyển, thí sinh vẫn được trường cấp giấy chứng nhận kết quả tuyển sinh để xét tuyển NV2, NV3.

Xét tuyển linh hoạt

Năm 2011 Trường ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến tuyển sinh 5.000 chỉ tiêu ĐH chia theo bảy nhóm ngành đào tạo tương ứng với bảy mã quy ước từ 01-07. Mỗi nhóm ngành bao gồm các ngành có đặc thù chuyên môn và lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp gần nhau, tạo điều kiện cho thí sinh dễ dàng lựa chọn nhóm ngành học phù hợp NV bản thân.

Thêm khối thi

Năm nay thí sinh dự thi khối V vào Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) được đăng ký dự thi thêm môn hóa (khối A) để xét tuyển NV1B vào các ngành tuyển khối A của trường này. Trong trường hợp thí sinh không trúng tuyển khối V sẽ được trường xét tuyển vào ngành mà thí sinh đăng ký NV1B khối A. Trong khi đó thí sinh đăng ký xét tuyển NV2 một trong các ngành bậc ĐH của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) được đăng ký thêm một NV vào bậc CĐ ngành công nghệ thông tin của trường.

Theo đó, nhà trường xét tuyển theo khối thi và nhóm ngành. Điểm chuẩn được xác định cho từng nhóm ngành (trong đó nhóm 06 có điểm chuẩn riêng cho khối A và D1, điểm môn tiếng Anh của nhóm 07 nhân hệ số 2). Thí sinh có thể tự tin chọn nhóm ngành ghi trong hồ sơ đăng ký dự thi theo NV.

Khi nhận được giấy báo thi của trường, thí sinh sẽ được hướng dẫn điền vào “Phiếu đăng ký NV bổ sung” và nộp lại cho trường khi đến dự thi, để trong trường hợp không đạt NV1 sẽ được tự động xét tuyển theo những NV đăng ký bổ sung như sau: chuyển sang một nhóm ngành khác có điểm chuẩn thấp hơn, chuyển sang một chương trình cử nhân công nghệ trong cùng nhóm ngành hoặc khác nhóm ngành, chuyển sang một chương trình do Viện Đào tạo quốc tế quản lý hoặc chuyển xuống học một ngành bậc CĐ.

PGS.TS Hoàng Minh Sơn – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội – cho rằng việc nhà trường áp dụng phương thức xét tuyển linh hoạt nhằm đảm bảo tính công bằng đồng thời tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh. Sau năm thứ nhất, sinh viên sẽ có điều kiện tìm hiểu kỹ và lựa chọn đăng ký ngành học thuộc nhóm ngành trúng tuyển.

Nhà trường xếp ngành cho nhóm 01-03 dựa trên kết quả học tập năm thứ nhất, các nhóm 04-07 theo NV đăng ký. “Ưu điểm của phương thức này là thí sinh được xét tuyển vào nhóm ngành theo NV ngay từ đầu, ít gặp rủi ro hơn so với phương án điểm chuẩn theo từng ngành và thí sinh được chuyển nhóm ngành khi không đạt NV đăng ký ban đầu (không cần phải tham gia các đợt xét tuyển NV2, NV3)” – ông Sơn nói.

Đặc biệt, ngoài học ngành đã trúng tuyển, sinh viên ĐHQG Hà Nội còn có cơ hội học thêm một ngành khác. Sau thời gian tối đa sáu năm, sinh viên sẽ nhận hai bằng cử nhân chính quy. Hiện nay ĐHQG Hà Nội có các chương trình đào tạo bằng kép như: Trường ĐH Kinh tế có thể học các ngành tiếng Anh và ngược lại; Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn và ngành luật có thể học các ngành ngoại ngữ… Các ngành khí tượng thủy văn, hải dương học có thể học ngành công nghệ thông tin…

TRẦN HUỲNH

Source: Báo Tuổi Trẻ