* Tình hình “cạn kiệt” IPv4 tại Việt Nam iMS  – Số lượng địa chỉ IPv4 hay có thể tạm hiểu là địa chỉ Internet dành cho khu vực châu Á đã chính thức cạn kiệt, đó là thông báo từ Trung tâm Thông tin mạng châu Á – Thái Bình Dương (APNIC).

Trung tâm Thông tin mạng châu Á – Thái Bình Dương (APNIC) đã chính thức cấp phát khối địa chỉ IP phiên bản 4 (IPv4) cuối cùng. Theo ZDNet, điều này đã được dự đoán từ trước, khi Tổ chức Quản lý tên miền Internet quốc tế (ICANN) cùng Tổ chức Cấp phát số hiệu Internet (IANA) thông báo vào tháng 2  khối địa chỉ IPv4 cuối cùng của thế giới đã được cấp phát cho các tổ chức quản lý tài nguyên Internet cấp khu vực (RIR). Nhưng không ai có thể lường trước việc cạn kiệt tài nguyên địa chỉ IPv4 (tại châu Á) lại diễn ra nhanh đến như vậy.

Về nôm na, bạn đọc có thể hiểu Ủy ban cung cấp địa chỉ nhà và Internet quản lý một khu phố. Ai muốn vào ở thì cần phải có địa chỉ nhà. Khu phố ngày càng đông đúc thì địa chỉ cũng ngày càng ít đi và sẽ dẫn tới tình trạng cạn kiệt địa chỉ nhà để cung cấp cho người mới. Do đó, việc mở rộng khu phố (chuyển từ IPv4 sang IPv6) là điều cần thiết.

 

Các doanh nghiệp và tổ chức cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho việc chuyển đổi từ IPv4 lên IPv6 ngay từ bây giờ - Ảnh minh họa: Internet
Các doanh nghiệp và tổ chức cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho việc chuyển đổi từ IPv4 lên IPv6 ngay từ bây giờ - Ảnh minh họa: Internet

 

Trong một bài phát biểu, APNIC thông báo: “Sự kiện này là một bước ngoặt quan trọng, khi cùng với sự cạn kiệt nguồn địa chỉ IPv4 tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, những địa chỉ IPv4 cuối cùng sẽ được phân chia cho những nhà quản lý và điều hành mạng Internet, để dùng như công cụ kết nối cần thiết với các thế hệ địa chỉ IPv6 thuộc thế hệ tiếp theo”. Các thành viên APNIC hội đủ điều kiện (để được phân chia) sẽ được ủy thác sử dụng tối đa 1.024 địa chỉ IPv4. Giám đốc APNIC, ông Paul Wilson nói rằng châu Á – Thái Bình Dương là khu vực đầu tiên (của thế giới) đạt đến ngưỡng không đáp ứng được nguồn cung địa chỉ IPv4. Nguyên nhân của việc này đến từ sự tăng trưởng nhanh một cách – chưa – từng – có – tiền – lệ của dịch vụ mạng mà khu vực này đang đối mặt. “Xét thấy nhu cầu đang tăng mạnh cho những địa chỉ IP, ngày 14-4 chính thức đánh dấu cho sự kết thúc của tài nguyên IPv4 cho phần lớn nhà cung cấp dịch vụ mạng ở châu Á – Thái Bình Dương. Từ ngày 14-4 trở đi, IPv6 chính thức trở thành chuẩn bắt buộc để xây dựng mới các mạng lưới Internet cũng như dịch vụ đi kèm” – ông Paul Wilson tuyên bố. Giờ đây, câu hỏi ai sẽ trở thành “nạn nhân” tiếp theo? Owen DeLong, người đứng đầu của nhánh dịch vụ chuyên nghiệp thuộc Hurricane Electric, nhà cung cấp “xương sống” các địa chỉ IPv4 kiêm dịch vụ mạng, cho phóng viên tờ ZDNet biết sau APNIC, có thể Tổ chức Cấp phát địa chỉ IP khu vực châu Âu (RIPE) sẽ trở thành tổ chức thứ hai chứng kiến sự “hết nhẵn” địa chỉ IPv4 trong vài tháng tới. Chính vì thế, sẽ là một chiến lược hết sức sai lầm nếu một doanh nghiệp vẫn cố bám víu vào IPv4 trước nhu cầu tăng nhanh như hiện nay.     Điều này là hoàn toàn có cơ sở. Ví dụ bạn chỉ sử dụng IPv6 cho bộ cân bằng tải hoặc máy chủ đặt trang web của mình, trong khi nền tảng mạng cục bộ đằng sau những thiết bị này vẫn trung thành với IPv4. Điểm mấu chốt ở đây vẫn là không sớm thì muộn toàn bộ bộ máy kinh doanh của bạn sẽ phải dùng đến IPv6 để phục vụ các tác vụ trên đường truyền Internet của nó. Là người đứng đầu doanh nghiệp, bạn chỉ có hai lựa chọn: chuẩn bị nâng cấp lên IPv6 ngay từ bây giờ hoặc ngoan cố chờ đến khi mọi thứ buộc bạn phải làm điều đó, vốn sẽ rất khó khăn nếu để điều đó xảy ra. Giám đốc APNIC, người đang phải đối mặt với những cơn “hoảng loạn” từ phía các nhà cung cấp dịch vụ mạng và khách hàng trước chính sách giới hạn các địa chỉ IPv4 cuối cùng trên thế giới của APNIC, phát biểu với “một chút” lòng cảm thông: “Sự cạn kiệt IPv4 đã từng được chỉ mặt đặt tên như là bước ngoặt mang tính chiến lược từ rất lâu, vì thế mọi người không nên tỏ ra quá ngạc nhiên. Bất cứ doanh nghiệp, tổ chức và tập thể nào muốn tiếp tục tồn tại phải đẩy nhanh tiến độ triển khai IPv6”. THÚY QUỲNH tổng hợp

Tình hình “cạn kiệt” IPv4 tại Việt Nam Tháng 5-2008, Bộ Thông tin – truyền thông đã chỉ thị thúc đẩy sử dụng địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6 thay cho địa chỉ thế hệ cũ IPv4 do nguồn tài nguyên địa chỉ IPv4 đã cạn kiệt. Cho đến nay, theo ICTNews, các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) lớn của Việt Nam như FPT Telecom,VDC/VNPT, Viettel Telecom đã “nhanh chân” đăng ký thêm một lượng lớn địa chỉ IPv4 đủ để sử dụng trong quá trình chuyển đổi lên IPv6. Cụ thể vào tháng 9 năm ngoái, VNNIC đã cấp phát vùng địa chỉ IPv4 “/10” (tương đương hơn 4 triệu địa chỉ) cho VNPT. Trong hai tháng vừa qua, Viettel được cấp phát vùng địa chỉ IPv4 “/11” (khoảng 2 triệu địa chỉ), còn FPT được cấp vùng địa chỉ “IPv4 “/13” (tương đương 512.000 địa chỉ). Nhằm đối phó với nguy cơ cạn kiệt địa chỉ IPv4 đã cận kề, Bộ TT&TT cũng vừa ban hành kế hoạch hành động quốc gia về IPv6. Theo kế hoạch này, kể từ năm nay, các ISP và các doanh nghiệp có hạ tầng công nghệ thông tin lớn phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết về nhân lực, kỹ thuật để triển khai IPv6. Hiện FPT Telecom đang thử nghiệm IPv6 trong nội bộ đơn vị này và FPT Telecom đã sẵn sàng để triển khai IPv6. Bản thân các thiết bị FPT Telecom đầu tư từ năm 2007 trở lại đây đều đã hỗ trợ IPv6. “Cái khó nhất để triển khai IPv6 không phải nằm ở các nhà mạng, mà là ở các thiết bị đầu cuối của khách hàng như thiết bị cũ quá và cần phải có bộ chuyển đổi mới có thể sử dụng IPv6”, ông Khoa khẳng định. Đại diện Viettel cũng cho rằng hệ thống mạng của Viettel đã hỗ trợ IPv6. Ngoài ra, Viettel đã tiến hành thử nghiệm xong IPv6 và sẵn sàng cung cấp. Với VDC/VNPT, ông Hưng cho biết các hệ thống thiết bị đều đã tương đối sẵn sàng và được chuẩn bị từ rất lâu. Như vậy, các nhà cung cấp dịch vụ vẫn chờ đợi khách hàng có yêu cầu hay lo ngại về vấn đề thiết bị không tương thích thay vì trình diễn, giới thiệu các dịch vụ trên nền IPv6 có gì hấp dẫn, an toàn và khác biệt so với IPv4 để kích cầu việc sử dụng nâng cấp, chuyển đổi thiết bị đầu cuối. Theo ICTNews