iMSVietnam – Thời gian gần đây, hàng loạt website của nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị liệt vào “danh sách đen”, không được quảng cáo trên Google Adwords, thậm chí có website mất luôn các kết quả tìm kiếm tự nhiên trên Google.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do website của các doanh nghiệp bị phát hiện sử dụng voucher Google lậu. Với các doanh nghiệp đang có phần lớn khách hàng đến từ Google thì việc bị cấm trên Google gây thiệt hại lớn đến doanh số.
Cũng giống như các công ty khác, để khuyến khích khách hàng dùng dịch vụ, Google triển khai các chương trình khuyến mại bằng cách phát hành các voucher (được thể hiện dưới dạng các mã số), tặng thưởng một khoản giá trị (thường là 50 USD, 75 USD). Tùy từng thời điểm, Google sẽ phát hành các voucher cho các thị trường quốc gia khác nhau, có mã số riêng để hệ thống của Google nhận biết là voucher đó áp dụng cho khu vực nào. Tuy nhiên, Google chỉ áp dụng voucher cho các khách hàng mới (Công ty hay cá nhân mới bắt đầu sử dụng dịch vụ quảng cáo Google). Khách hàng nào đăng ký tài khoản mới sẽ được tặng 1 voucher, nhưng chỉ áp dụng cho web của khách hàng đó. Google nghiêm cấm việc mua bán, trao đổi mã khuyến mại; sử dụng nhiều mã khuyến mại để mở nhiều tài khoản quảng cáo cho cùng một nhà quảng cáo; cho cùng một website; sử dụng mã khuyến mại phát hành tại một khu vực thị trường cụ thể cho một thị trường khác.
Gõ từ khóa “Adwords Voucher” trên Google, PV dễ dàng tìm thấy một loạt các lời rao bán voucher với các mức giá rất hấp dẫn như: “chỉ 180K có $100 trong tài khoản”, hay “Quảng cáo google giá rẻ bất ngờ, đảm bảo chạy thành công!”, “Mã giảm giá Google”…
Tuy nhiên, nhiều khách hàng hám rẻ mua những voucher lậu này đã phải “khóc dở mếu dở” khi hệ thống của Google phát hiện ra là thông tin trên website không khớp về thông tin khách hàng, không khớp về thị trường. Từ đó, website của những khách hàng sử dụng “hàng lậu” sẽ bị đình chỉ vĩnh viễn tài khoản quảng cáo và cả các tài khoản liên quan đến website của nhà quảng cáo. Nghiêm trọng hơn, Google có thể đưa website của nhà quảng cáo vào black list (danh sách website đen) của Google, ngăn không cho website này hiển thị trên kết quả tìm kiếm tự nhiên.
Ông Nguyễn Thành (xin giấu tên công ty) hoạt động trong lĩnh vực tổ chức sự kiện trong một buổi hội thảo đã chia sẻ: “Chúng tôi đang gặp rắc rối vì bị Google Adwords đưa vào blacklist (danh sách đen). Tôi không hề biết nhà cung cấp của chúng tôi đã làm gì. Hiện chúng tôi đã kêu gọi trợ giúp từ rất nhiều bên nhưng chưa có câu trả lời chính thức. Khách hàng và doanh số đã giảm 60% trong 3 tháng nay.”
Theo ông Nguyễn Minh Quý – Tổng giám đốc Nova Ads – đối tác chính thức của Google: “Doanh nghiệp nên có cái nhìn toàn diện hơn về các nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo Google. Giá rẻ thì không hẳn là không tốt. Tuy nhiên cần hiểu nguyên nhân của giá rẻ là gì, có phải do năng lực tối ưu dịch vụ, năng lực quản lý chi phí, lợi suất theo quy mô, có lượng khách hàng lớn hay đơn giản giá rẻ đó đến từ Voucher lậu.”
Ông Quý cho biết: “Khi đã bị đình chỉ vĩnh viễn website trên Google Adwords, cách duy nhất là liên hệ với các đối tác chính thức của Google để làm đơn xin tháo gỡ. Tuy nhiên, quá trình tháo gỡ khá phức tạp, mất nhiều thời gian cũng như công sức”.
Dấu hiệu nhận biết nhà quảng cáo dùng voucher Google lậu
Các doanh nghiệp cần nhận thức được rủi ro và hậu quả của voucher Google lậu và cảnh giác với các nhà cung cấp sử dụng voucher lậu. Có 3 dấu hiệu giúp doanh nghiệp nhận biết một nhà cung cấp dịch vụ sử dụng voucher lậu.
Cách thứ nhất, tìm hiểu kỹ các thông tin rao vặt liên quan đến nhà cung cấp bằng cách gõ vào Google tên nhà cung cấp và adwords voucher, ví dụ: công ty A + adwords voucher, nếu công ty đó có rao bán Adwords voucher thì khả năng họ triển khai voucher lậu cho khách hàng là cao.
Thứ hai, so sánh giá bán của nhà cung cấp với các báo giá của các đơn vị hiện là đối tác chính thức của Google. Nếu giá của đơn vị nào thấp hơn giá trung bình của các đối tác chính thức dưới 30% thì nên tìm hiểu lại thật kỹ. Được biết, lợi nhuận biên của các công ty quảng cáo google quản lý rất tốt chỉ đạt 15-18%, nên nếu doanh nghiệp nào bán giá thấp hơn 30% mức trung bình thị trường, khả năng sử dụng voucher lậu rất cao.
Thứ ba, các nhà cung cấp sử dụng voucher lậu thường là các đơn vị nhỏ lẻ, thời gian thành lập chưa quá 2 năm, số lượng khách hàng và uy tín thị trường thấp. Họ thường không chú trọng việc nâng cao năng lực tư vấn, tài liệu sơ sài, triển khai và chăm sóc kém mà chỉ lấy yếu tố giá rẻ để thu hút và cạnh tranh trên thị trường.