Công nghệ số đang làm thay đổi môi trường kinh doanh và tạo sức ép lớn lên các doanh nghiệp, đòi hỏi thay đổi cách thức kinh doanh. Các bộ phận tiếp thị truyền thông phải thích ứng để có cách tiếp cận và tương tác với khách hàng phù hợp cũng như ứng phó với sự phức tạp về bùng nổ dữ liệu.
Tại diễn đàn các giám đốc tiếp thị và truyền thông diễn ra hôm qua (10.1) tại TP.HCM, ông Lý Quý Trung, tổng giám đốc tập đoàn Nam An, chia sẻ rằng với độ tuổi 40 ông đã cảm thấy chịu nhiều áp lực về điều hành doanh nghiệp và phương cách tiếp thị hiện đại vì nhiều khi thấy mình đã lạc hậu trước Facebook, Twitter, YouTube… “Khi mạng truyền thông xã hội ra đời thì việc tính toán kinh doanh phải thay đổi, nếu như mình không sống trong nhịp điệu đó và cảm nhận được hơi thở của nó sẽ thấy khó khăn hơn bình thường”, ông Trung chia sẻ.
Khi thị trường thay đổi
Những giám đốc tiếp thị được ví như đại sứ thương hiệu cho doanh nghiệp đang đối diện với môi trường kinh doanh liên tục thay đổi. Nhiều thử thách để doanh nghiệp họ đuổi kịp xu thế mới nếu không vận dụng được dữ liệu để đưa ra chiêu thức tiếp thị mới hướng tới người dùng. Theo kết quả nghiên cứu do tập đoàn IBM thực hiện với 1.700 giám đốc tiếp thị toàn cầu (CMO) từ 64 quốc gia bao gồm Việt Nam, thì có đến 50% cho biết vẫn chưa được trang bị tốt để tạo ra những lợi ích đầu tư thuyết phục, nhất là có đủ tầm ảnh hưởng để trong lĩnh vực quan trọng như phát triển, định giá sản phẩm và lựa chọn kênh bán hàng.
Nghiên cứu này đã chỉ ra bốn thách thức lớn mà các CMO đang đối mặt, 71% cho rằng thách thức lớn nhất là sự bùng nổ dữ liệu; 68% đứng trước áp lực của mạng xã hội; việc lựa chọn kênh và công cụ tiếp thị (65%); và sự biến đổi về nhân khẩu học. Hơn 80% CMO cho biết gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập thông tin về khách hàng nên vẫn tập trung vào việc tìm hiểu thị trường thay vì tìm hiểu cá nhân khách hàng. Các chiến lược kinh doanh vì thế vẫn đang dựa trên các nguồn thông tin truyền thống như nghiên cứu thị trường, so sánh cạnh tranh hay phân tích chiến dịch bán hàng mà chưa cung cấp những thước đo đánh giá mức độ thành công của chiến dịch tiếp thị: sự trải nghiệm của khách hàng, khả năng chuyển đổi và thu hút khách hàng mới và số liệu doanh thu cụ thể.
Ông Giuseppe Bruni, người phụ trách chiến lược và chuyển đổi thuộc bộ phận dịch vụ toàn cầu của IBM, nhận định rằng, những thay đổi của môi trường mạng đang làm thay đổi mối quan hệ với khách hàng, các yếu tố này trở nên phổ biến và là những nhân tố dẫn đến sự thay đổi các bộ phận tiếp thị trong vòng 3 – 5 năm tới. Nguồn thông tin truyền thống là quan trọng nhưng chỉ tập trung vào thị trường mà khó có thể đủ dữ liệu để phác hoạ được bức tranh về nhu cầu hoặc mong muốn của từng cá nhân. “Phần lớn doanh nghiệp vẫn tập trung vào giao dịch mà ít quan tâm đến dữ liệu để xây dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng, dữ liệu là mục tiêu để nâng cao sự nhận biết của khách hàng, thu hút sự quan tâm của họ và xây dựng lòng trung thành của khách hàng với thương hiệu của mình”, theo ông Giuseppe.
Quyền lực tiêu dùng cao hơn
Theo ông Võ Văn Dung, giám đốc tiếp thị của AIA, ngày nay khách hàng có nhiều lựa chọn, có kiến thức sâu rộng về sản phẩm, cách tiếp cận thông tin đa dạng trước khi họ quyết định mua hàng là thách thức lớn cho người làm tiếp thị. Quyền lực của khách hàng này cao hơn thay vì trước đây thuộc quyết định của nhà sản xuất hay của các hãng quảng cáo. Trong biển thông tin đó, người điều hành làm sao có những công cụ để làm việc với khách hàng và đáp ứng nhu cầu cụ thể. “Cá nhân hoá là xu thế không thể cưỡng lại được của tiêu dùng số và người làm tiếp thị học cách tận dụng truyền thông xã hội để thích ứng với kỷ nguyên số”.
Theo bà Võ Thị Tịnh Khuê, giám đốc tiếp thị IBM Vietnam, hàng ngày quảng cáo tiếp thị tấn công qua email, tin nhắn điện thoại, mạng xã hội, báo đài… Khi khách hàng có thông tin nhiều hơn thì doanh nghiệp lại càng cần đến những công cụ phân tích dữ liệu và xử lý thông tin nhanh nhạy để xây dựng mối quan hệ đó mang tính cá nhân hoá. Cũng trên những dữ liệu đó, phân khúc thị trường để đưa ra chiến lược tiếp thị truyền thông phù hợp.
Theo SGTT