Ngày 15/2 vừa qua, Trung tâm Văn hóa Pháp đã tổ chức hội thảo mang tên “Vai trò của mạng xã hội trong các doanh nghiệp” bàn về cách các doanh nghiệp cần làm để sử dụng mạng xã hội như một phương thức truyền thông cho sản phẩm và thương hiệu của mình.
Ngày nay, cụm từ “mạng xã hội” (Social Network) đã trở nên quá quen thuộc với những người làm việc thường xuyên với Internet. Sự bùng nổ các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Myspace, ZingMe… đã tạo cho các doanh nghiệp một cách tiếp cận, quảng bá hiệu quả và tiết kiệm hơn bên cạnh các hình thức truyền thông đã có.
Tại sao doanh nghiệp phải sử dụng mạng xã hội?
Bên cạnh những hình thức truyền thông cũ như quảng cáo trên truyền hình, đặt biển quảng cáo ngoài trời hay đặt banner trên các trang báo điện tử, hình thức truyền thông qua các mạng xã hội dần được các doanh nghiệp quan tâm và chú trọng.
Trong vài năm trở lại đây, các trang mạng xã hội phát triển rất mạnh mẽ và đang trở thành một phần không thể thay thế trong cuộc sống thường nhật của hàng trăm triệu người dân trên toàn thế giới.
Thuật ngữ “Social Media” được đề cập tới ở đây là một hình thức truyền thông qua các trang mạng xã hội; được tạp chí Marketing định nghĩa: “Social Media, nói một cách chung nhất, là khái niệm chỉ một phương thức truyền thông đại chúng trên nền tảng các dịch vụ trực tuyến – tức là những trang web trên Internet”.
Các phương thức truyền thông sẵn có đã phát huy được hiệu quả của nó, tuy nhiên, cùng cơn lốc mạng xã hội và web 2.0, cộng đồng đã thay đổi gần như hoàn toàn phương thức tiếp nhận thông tin, vì vậy, tất yếu các phương thức truyền thông cũng phải có sự thay đổi, điều chỉnh.
Theo thống kê của Socialmonics.com năm 2011: 78% khách hàng tin tưởng vào lời khuyên của bạn bè và chỉ có 14% tin vào quảng cáo. Điều này rất dễ hiểu, khi công chúng chỉ tiếp nhận thông tin từ một luồng duy nhất, họ sẽ tin tất cả các thông tin được đăng tải trên đó (ví dụ TV, Radio, Báo in …).
Nhưng khi có sự giao lưu với nhiều người và tiếp nhận nhiều luồng thông tin quảng cáo về sản phẩm… thì lúc này, công chúng cần luồng thông tin mang tính tin tưởng hơn. Và sự tin tưởng đó thường đến từ bạn bè hoặc từ những lời đồn.
Với môi trường hiện tại, chỉ 18% chiến dịch quảng cáo trên truyền hình đem về lợi nhuận và hiệu quả; nó cũng chỉ mang tính khẳng định đẳng cấp và loan tin sản phẩm – hữu dụng với các thương hiệu lớn và đã có vị trí trong cộng đồng, còn với những thương hiệu nhỏ, quảng cáo truyền hình có thể phản tác dụng.
Cộng đồng hiện nay thường sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, MySpace, Youtube… làm nơi trao đổi thông tin lẫn nhau. Các doanh nghiệp nhận ra rằng, nếu chỉ duy trì phương thức quảng cáo truyền thống sẽ khó có thể thu hút được sự quan tâm của công chúng, họ chỉ có thể hòa vào các sân chơi mạng xã hội trên thì thương hiệu mới đến gần và tạo niềm tin cho cộng đồng.
Rõ tàng thời đại này, Giá trị và sự Bền vững của một thương hiệu không chỉ phụ thuộc vào doanh số, mà còn phụ thuộc vào tư duy của cộng đồng; và cũng đôi khi, phụ thuộc vào cả những lời đồn.
Social Media – truyền thông qua Mạng xã hội – đã ra đời và thực sự trở thành một cơn “cuồng phong” về sức mạnh và sức lan tỏa của mình. Theo số liệu thống kê từ Socialmonics.net năm 2011, 50% dân số thế giới dưới 30 tuổi và 96% trong số đó tham gia mạng xã hội. Và tại Mỹ, hiện nay, lượng truy cập của Facebook đã qua mặt Google; cứ 8 cặp đôi lấy nhau thì có 1 cặp tìm hiểu nhau qua mạng xã hội.
Để có được 50 triệu người sử dụng (user), Radio đã phải mất 38 năm, TV mất 13 năm, Internet mất 4 năm, iPod mất 3 năm… nhưng Facebook có được 200 triệu user chỉ trong vòng 1 năm. Nếu ví Facebook là một quốc gia, thì dân số của nó đông thứ 3 thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ.
25% kết quả tìm kiếm với Top 20 thương hiệu lớn nhất thế giới có liên kết đến các nội dung do người dùng viết ra, nói cách khác, trên mạng Internet, ngoài những thông tin doanh nghiệp tự quảng cáo, thì có đến 25% là thông tin do người dùng nói đến họ.
Social Media là một cơn việc sử dụng Social Media thực sự là điều cần thiết đối với các doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay bên cạnh những phương thức quảng cáo truyền thống.
Doanh nghiệp Việt “bỏ lửng” Social Media
Mạng xã hội (Social Network) đã phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam cách đây 2 năm, từ khi dịch vụ Facebook đến với Việt Nam. Facebook được xem là một mạng xã hội đầu tiên được công nhận và được đông đảo mọi người ủng hộ.
Bên cạnh Facebook là một loạt các trang mạng xã hội khác được cộng đồng “ưu ái” như Youtube, Blog, Twitter, MySpace… và cũng có rất nhiều trang mạng xã hội “Made in Vietnam” ra đời như ZingMe, Banbe.net, Go.vn…
Vừa qua, Trung tâm Văn hóa Pháp đã tổ chức hội thảo mang tên “Vai trò của mạng xã hội trong các doanh nghiệp” bàn về cách các doanh nghiệp cần làm để sử dụng mạng xã hội như một phương thức truyền thông cho sản phẩm và thương hiệu của mình.
Tại hội thảo, TS Marc Dinvine – Phó Giáo sư IAF Paris đã khẳng định, mạng xã hội là công cụ hiệu quả trong chiến lược marketing trong thời đại ngày nay. Ông cũng cho rằng mạng xã hội là một đấu trường, mà ở đó, người tham gia và cũng là người cạnh tranh sẽ quyết định có tham gia hay không; dù có tận dụng hay không, thì đấu trường vẫn ở đó và sự cạnh tranh vẫn còn.
Tiến sĩ Marc Dinvine đưa ra dẫn chứng, trong năm 2010, quảng cáo trên TV chiếm 45% thì tới năm 2011 chỉ còn 35%, qua radio giảm từ 16% xuống 10%, chỉ có Internet tăng từ 18% lên 34% trong vòng một năm. Ngoài ra, có 90% khách hàng bày tỏ ý kiến về sản phẩm qua Twitter và 50% khách hàng phản hồi qua Facebook. Như vậy có thể khẳng định, Social Media là một mảnh đất màu mỡ mà các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng. Tuy nhiên, có rất ít doanh nghiệp tận dụng các trang mạng xã hội này để truyền thông, quảng cáo cho sản phẩm cũng như thương hiệu của mình.
Tiến sĩ Marc Dinvine khẳng định với một doanh nghiệp khi tham gia vào mạng xã hội, truyền thông qua Social Media, thì số lượng người tham gia, quan tâm và trao đổi về nhãn hiệu đó càng nhiều thì độ nổi tiếng càng cao, và doanh nghiệp hoàn toàn có thể đoán được số lượng bán ra của sản phẩm.
Trên thế giới đã có rất nhiều doanh nghiệp tận dụng Social Media để quảng bá sản phẩm cho mình, như Coca-Cola và Disney có hơn 20 triệu fan trên Facebook, IBM tổ chức một cuộc họp trực tuyến và trong một thời gian ngắn đã có hơn 350.000 doanh nghiệp nhỏ đăng ký tham gia… Trong một khảo sát tiến hành với 200 công ty quốc tế thì có tới 54% công ty sử dụng mạng xã hội làm công cụ Marketing.
Hiện Việt Nam đã có 20/28 loại hình mạng xã hội trên thế giới và 100 mạng xã hội lớn nhất đều thuộc top 500 website lớn nhất Việt Nam. Theo ước tính, tới tháng 1/2012, Việt Nam đang có gần 3,8 triệu tài khoản Facebook, đừng thứ 40 trên thế giới. Tuy nhiên, số doanh nghiệp sử dụng Facebook chỉ dừng ở mức 0,04% (tính đến tháng 6/2011), trong khi đó, con số này ở Mỹ là 70,3%. Như vậy, Social Media hiện đang bị các doanh nghiệp Việt Nam “bỏ lửng”, “thờ ơ”.
Đơn cử như Facebook, mặc dù đôi lúc trở ngại truy cập từ các dịch vụ cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam, nhưng việc cản trở bằng các phương pháp kĩ thuật cũng không thể ngăn được người dùng tiếp tục yêu mến và tìm cách vượt rào để sử dụng. Nắm trong tay hơn 3,8 triệu tài khoản, Facebook thực sự là một “đế chế”, là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp tự quảng bá thương hiệu.
Không phủ nhận hiện tại một số lượng quảng cáo nhất định được hiển thị pop-up bên phải khi người sử dụng – những khách hàng tiềm năng được nhà quảng cáo chọn lọc từ danh sách mà Facebook cung cấp để nhắm đến trong các chiến dịch quảng cáo sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu của mình. Tuy nhiên dạng quảng cáo đơn thuần này tạo ít hiệu quả quan tâm và người dùng xem chúng như những loại hình quảng cáo thông thường không có chiều sâu trong thời buổi cạnh tranh về dịch vụ giữa các công ty với nhau.
Chưa hiểu được tầm quan trọng và tiềm năng của mạng xã hội, các doanh nghiệp còn chưa chịu tăng chi phí đầu tư cho việc PR trên mạng xã hội. Khi lướt qua các trang Facebook của doanh nghiệp công ty, chúng ta thấy rất ít các trang công ty được cập nhập và thậm chí bỏ hoang. Điều này là một thất thoát không nhỏ với con đường phát triển thương mại điện tử.
Ngoài website công ty, nơi mà mấy ai quan tâm viếng thăm, hoặc chỉ ghé qua để xem một vài sản phẩm rồi thôi. Điều này là một sự đáng tiếc khi doanh nghiệp chưa xậy dựng được nội dung mà khách hàng và đối tác quan tâm đến, đó là những nhu cầu thực, yếu tố cốt lõi mà mạng xã hội Facebook đạt đến thành công khi chiếm trọn tình cảm người dùng Việt Nam. Đây cũng chính là sự khát khao của các doanh nghiệp làm mạng xã hội Việt: làm sao gắn kết con người trong một mạng xã hội ảo?
Như vậy, mảnh đất màu mỡ đã có, bây giờ các doanh nghiệp chỉ cần tận dụng và phát huy hiệu quả, nhưng họ lại thơ ơ, bỏ mặc. Lý giải cho nghịch lý này, ông Hà Tuấn (CEO của Công ty VinaLink Media, Chủ tịch CLB SEO Việt Nam) cho rằng: “Đa phần các nhà quản lý đều không hoặc chưa nhận thức được lợi thế cũng như cách sử dụng kênh thông tin này, bên cạnh đó, họ cũng chưa được tiếp nhận các thông tin chính thống về cách truyền thông trên mạng xã hội. Điều này dẫn tới những lo ngại về khả năng thực hiện cũng như tính rủi ro của nó”.
Cần nhìn nhận đúng về Social Media
Nói như vậy, không có nghĩa chúng ta mặc định Social Media là tất cả, là “viên thuốc thần” trong truyền thông mà cần nhìn nhận đúng về hình thức quảng bá qua mạng xã hội này.
Về bản chất, Social Media chỉ là một phần trong chiến dịch Marketing online, bên cạnh SEO, PPC, email Marketing, Blog Marketing, quảng cáo Banner… Tuy chỉ là một phần nhỏ, nhưng nếu biết cách sử dụng và phát huy hiệu quả, Social Media có thể đem lại những cú “hích” mạnh mẽ cho thương hiệu.
Thuộc tính của Social Media gồm có:
– Nghe: thu thập thông tin thị trường và có cái nhìn sâu sắc, thông minh vào khách hàng.
– Nói: Tham gia thảo luận hai chiều để nhắn gửi thông điệp của doanh nghiệp và có được thông điệp từ phía ngược lại.
– Lòng tin: Để khách hàng trao đổi với nhau, thay vì chính doanh nghiệp quảng bá cho sản phẩm của mình.
– Hỗ trợ: Khách hàng sẽ hỗ trợ, trả lời thắc mắc cho nhau bên cạnh dịch vụ chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp.
– Sự bao quát: xây dựng website tốt hơn thông qua sự hợp tác với khách hàng
– Xây dựng mạng lưới: các phương tiện Social Media sẽ liên kết ngược lại website của doanh nghiệp thông qua các bookmark, feed, SEO…
Có thể thấy rằng, so với quảng cáo truyền thống thì Social Media có nhiều lợi thế hơn, đặc biệt ở đó, doanh nghiệp và người làm quảng cáo có thể nhận được thông tin phản hồi và thông qua đó, có sự đánh giá và điều chỉnh về sản phẩm cũng như cách thứ quảng bá phù hợp.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, Social Media không phải một “viên thuốc thần” trong truyền thông, bởi bản thân nó không thể thay cho chiến lược Marketing mà chỉ là một phần trong đó. Nó cũng không phải là hình thức truyền thông “ăn liền” mà là một cuộc chơi dài hơi và cần có thời gian xây dựng, điều chỉnh để tác động đến khách hàng.
Và đặc biệt, Social Media không thể thay thế cho chất lượng sản phẩm, dù kế hoạch truyền thông có tốt đến mấy, tận dụng tối đa các kế hoạch quảng bá đến mấy mà sản phẩm tồi thì cả kế hoạch cũng sẽ phản tác dụng, bởi về bản chất, Social Media là hình thức truyền thông, quảng bá nhận được sự phản hồi trực tiếp từ khách hàng. Và tên tuổi của doanh nghiệp được quyết định từ chất lượng sản phẩm và do khách hàng đánh giá.
Bên cạnh đó, cần nhận thức rằng, hình thức truyền thông này không phải là giải pháp tăng doanh số bán hàng trực tiếp. Social Media không phải là Sales, nó chỉ là một hình thức quảng cáo trên các trang mạng xã hội, đưa sản phẩm và doanh nghiệp tới gần với cộng đồng, với khách hàng chứ không thể bán hàng được. Hay nói cách khác, Social media sẽ thúc đẩy doanh số khi sản phẩm được đánh giá tốt.
Với hình thức truyền thông này, người quản lý – doanh nghiệp không làm một mình, hay nói như ông Hà Tuấn (Chủ tịch CLB SEO Việt Nam), là “one man show”; Social Media cho phép khách hàng và doanh nghiệp có được sự tương tác hai chiều ngay lập tức, đây là điều mà các hình thức truyền thông, quảng bá truyền thống không thể có được.
Trong buổi hội thảo tại Trung tâm Văn hóa Pháp, ông Hà Tuấn cũng đã đưa ra 3 mô hình thể hiện phương pháp tiếp thị qua mạng xã hội dành cho 3 loại hình doanh nghiệp.
Thứ nhất là doanh nghiệp lớn với độ phủ sóng sản phẩm và dịch vụ rộng khắp, sử dụng Integrated marketing (tổng thể từ các chiến dịch offline và các kênh online). Thứ hai dành cho các chiến dịch quảng cáo ngắn hạn. Và cuối cùng, dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhỏ và vừa hoặc ở các lĩnh vực hẹp có ngân sách thấp.
Theo ông, để tận dụng các mạng xã hội để truyền thông, quảng bá, các doanh nghiệp cần tự định hướng, xác định mục tiêu và đối tượng khách hàng để lựa chọn mạng xã hội phù hợp với thương hiệu của mình.
Vương Tâm / Petrotimes