Trong nỗ lực chung nhằm đưa sản phẩm đến với người dùng Internet, có một cô gái cũng rất lặng lẽ trong việc “chạy đua” với những thuật toán phức tạp nhằm đảm bảo các trang web của VinaGame khi search ở Google hay Yahoo sẽ xuất hiện cao nhất hoặc dễ nhìn thấy nhất. Chị là Trần Thị Thiên Nga, Trưởng Bộ phận quản lý traffic (Online Traffic) của công ty VinaGame.
Chị Nga cho biết: một website mới nếu không làm cho SE (Search Engine) thích thú thì nó sẽ không quan tâm và sẽ bỏ qua không sếp hạng website đó. Và để tăng hạng cho website thông qua công cụ tìm kiếm thì trước hết phải làm cho SE thấy “thích thú” hay còn gọi là “friendly with website”. Vì vậy người làm công việc “tăng hạng” phải tìm cách hỗ trợ, tối ưu hóa để SE có thể đọc và sắp xếp nột dụng một cách dễ dàng để website xuất hiện trên cao nhất của kết quả tìm kiếm thì mới thu hút người đọc ghé đến các website thông qua công cụ tìm kiếm. Nói nôm na là công việc tăng hạng website giống như ở trong một cái chợ, phải sắp xếp và làm thế nào để người xem thấy được trang web nổi bật lên và nhìn thấy đầu tiên trong hàng trăm ngàn trang web khác nhau. Để làm được điều này, người làm web phải biết cách tối ưu code và các đoạn script để các “đại gia” tìm kiếm như Google, Yahoo… đọc được một cách dễ dàng.
Theo chị Nga, cái khó của người làm trong lĩnh vực SE là phải theo dõi và nắm được sự thay đổi trong thuật toán của Google và Yahoo một cách nhanh nhất và sớm nhất để kịp thời có sự thay đổi trên từng trang web cụ thể là nhằm đảm bảo những trang web cần tăng hạng sẽ ở những vị trí cao nhất và dễ nhìn thấy nhất.
Chị Nga cho biết: SE (cỗ máy tìm kiếm) là lĩnh vực không chiều theo ý mình và bản thân người làm SEO ( search engine optimization) cũng không tự control được vì SE luôn thay đổi; vì vậy phải cập nhật liên tục để bắt kịp sự thay đổi cơ cấu hoạt động của SE.
Với câu hỏi: làm cách nào để có thể theo sát Google, Yahoo để nắm bắt kịp thời những thay đổi trong thuật toán? Chị Nga cho biết: đây quả là một công việc không dễ dàng, nếu chưa nói là rất khó.
Để làm được điều này, đầu tiên là phải chịu khó đọc và đọc rất nhiều. Tuy nhiên nếu chỉ đọc không thì chưa đủ, người đọc cũng phải biết chọn lọc các thông tin, làm test… để hiểu được tại sao có sự thay đổi đó (tất nhiên các tài liệu hoàn toàn bằng tiếng Anh).
Không chỉ đọc, chị Nga cũng chọn cách cập nhật thường xuyên lịch làm việc của các chuyên gia về lĩnh vực tìm kiếm website như Matt Cutts, Danny Sullivan… thông qua trang web cá nhân của họ. “Đây là những người phát ngôn về các thay đổi thuật toán cho Google; thông qua đó Nga sẽ tìm hiểu các bài phát biểu, các phân tích và nhận định của họ để có chiến lược phù hợp cho công việc”, chị Nga nói.
Với sự “góp sức” của bộ phận quản lý traffic, hàng loạt trang web do VNG cung cấp cũng được nhiều người dùng biết đến thông qua việc tìm kiếm trên Google, Yahoo như: Zing News, Zing MP3, 123mua, Zing Search… Riêng với trang tìm kiếm search.zing.vn, không chỉ dừng ở việc tìm kiếm, cỗ máy này còn có khả năng tự động đoán ý dựa trên những từ ngữ hay cụm từ để cho ra kết quả chính xác mà người dùng muốn tìm. Chúng tôi thử truy cập và trang web Zing Search và nhận thấy việc tìm kiếm rất nhanh và ra kết quả chính xác.
Khi được hỏi về nhận xét “chỗ đứng” của Zing Search trong bối cảnh có rất nhiều đối thủ “nặng ký” cùng ra mắt, chị Nga cho biết: Không chỉ có Google, Yahoo, Zing Search cũng còn phải đối mặt với các trang web tìm kiếm khác ở trong nước như timnhanh, monava, xalo.com, search.com…. Với Google và Yahoo, danh tiếng của những trang này đã được khẳng định, tuy nhiên để địa phương hóa một website, họ phải mất rất nhiều thời gian. Chưa kể khách hàng của Yahoo và Google ở khắp toàn cầu, nên việc thay đổi giao diện cũng phải diễn ra trên diện rộng. Trong khi đó, thị phần Zing Search hướng đến là người Việt và kèm theo đó là những tính năng riêng biệt, gần gũi với người VN. Ngoài ra việc thay đổi, bổ sung cũng rất nhanh chóng nên Nga tin rằng Zing Search sẽ sớm khẳng định vị thế của mình.
Cơ duyên đến với nghề Search Engine của chị Nga cũng khá “éo le”. Từng thi đỗ vào ĐH CNNT, nhưng cuối cùng chị lại chọn học Sư phạm để được gần nhà. Sau ba năm làm giáo viên dạy lập trình tại trường cấp 3 Lộc Thanh Bảo Lộc (Lâm Đồng), một ngày Sở Giáo dục Đào tạo có công văn là giáo viên khuyết tật không được đứng lớp, chỉ được dạy thực hành. Cơ hội theo nghề giáo bị thu hẹp, Nga quyết định học tiếp ĐH (trước đó Nga tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm) về CNTT. “Làm lại từ đầu” ở tuổi 24, chị khăn gói về Sài Gòn vừa làm thêm, vừa đi học.
Đầu tiên chị học về Thiết kế (Design) và cũng có được những thành công nhất định. Cũng vào thời điểm đó, chị được một người anh họ làm trong ngành IT của Mỹ khuyến khích nên đi vào lĩnh vực search engine vì lĩnh vực này rất rộng nhưng chưa có nhiều người “xông pha”. Quyết định thử và website đầu tiên chị “kích” để tăng hạng là trang web của khoa CNTT trường ĐH Bán công Tôn Đức Thắng mà chị đang theo học, sau khi thử một vài thay đổi, trang web đã xuất hiện trên những trang web đầu tiên tìm thấy của Google khiến chị rất vui sướng. Thầy giáo hướng dẫn cũng rất khích lệ chị theo đuổi lĩnh vực này.
Được sự khích lệ, chị Nga bắt đầu khám phá lĩnh vực SE, tuy nhiên mọi việc cũng không hề dễ dàng mà đó là cả một chuỗi dài những ngày “vượt khó”.
Ra trường và làm ở những công ty khác nhau trước khi “đầu quân” về VNG. Chị Nga cho biết: ở VNG, chị đã tìm thấy cơ hội để phát triển nghề nghiệp của mình. Đây là một môi trường thuận lợi để phát triển và đưa các sản phẩm về web lên SE. Chị cho biết: chị rất hứng thú với công việc hiện tại, thay vì phải tốn hàng chục ngàn USD để marketing và kiếm thêm 1000 người dùng (user truy cập website) thì thông qua việc tìm kiếm của các cỗ máy, thông tin từ website cũng đến với người đọc mau chóng và ít hao tốn hơn.
Trả lời câu hỏi chị có sẵn sàng chia sẻ “bí quyết” công việc cho các bạn trẻ, chị Nga nói: Trong nghề lập trình cũng như trong search engine, chỉ có thể dạy về những kiến thức nền tảng, còn về kinh nghiệm thì mỗi người phải tự nếm trải và tích lũy.
iMSVietnam theo Nguồn OnRankTop.Com